2 tháng trước
Bí Quyết Thiết Lập Mục Tiêu Nghề Nghiệp Thiết Thực Và Tham Vọng
731

11.9K
Lượt xem
407
Lượt chia sẻ
102
Lượt bình luận

Cải thiện công việc lên cấp cao hơn có nghĩa là bạn thiết lập và duy trì mục tiêu nghề nghiệp. Mục tiêu nghề nghiệp là mục tiêu có kế hoạch rõ ràng thể hiện mục đích cuối cùng mà bạn muốn đạt tới.

Xác định mục tiêu nghề nghiệp là một bước quan trọng để đạt tới thành công. Bạn cần phải biết nơi bạn mong muốn đạt được. Biết được mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì không chỉ quan trọng đối với bạn – mà nó còn quan trọng với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng với nhân viên trở nên tốt nhất khi mục tiêu của bạn phù hợp với mục tiêu của họ trong tương lai. Khi bạn nói, "Ờ, tôi không biết. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì,” thì bạn có vẻ không quyết đoán, và mở ra cho bạn những nhiệm vụ không phù hợp, nó sẽ không dẫn bạn đi tới cuộc sống mà bạn mơ ước.

Cách tiếp cận thông thường của những khuôn mẫu mục tiêu nghề nghiệp sẽ không xem xét những kinh nghiệm hay mục tiêu độc đáo của bạn. Chúng không giúp bạn nổi bật, và chúng có thể không phản ánh đầy đủ tiềm năng của bạn.

Trong bài báo này, tôi sẽ giúp bạn định nghĩa mục tiêu nghề nghiệp của mình với mô hình mục tiêu SMART, đồng thời cung cấp cho bạn danh sách những ví dụ về mục tiêu cho công việc và sự nghiệp.

Thay vì dựa vào một khuôn khổ tổng quát để miêu tả tầm nhìn của bạn, hãy sử dụng mô hình thiết lập mục tiêu đã được kiểm chứng. SMART là từ viết tắt của “Chi tiết, cụ thể, dễ hiểu (Specific); Đo lường được (Measurable); Có tính khả thi (Action-oriented); Thực tế (Realistic); và Thời hạn (Timelines).”[1] Mô hình SMART làm rõ mục tiêu của bạn bằng cách chia chúng thành các bước nhỏ hơn.

Những gợi ý hữu ích khi bạn dùng SMART thiết lập mục tiêu nghề nghiệp:

  • Trước tiên hãy bắt đầu với mục tiêu ngắn hạn. Bạn hãy làm việc với những mục tiêu ngắn hạn, sau đó phát triển nó lên thành những mục tiêu dài hạn.[2] Thời gian hoàn thành của mục tiêu ngắn hạn là từ khoảng 1 đến 3 năm. Mục tiêu dài hạn thì 3 đến 5 năm. Khi bạn đạt được những mục tiêu ngắn hạn, sự thành công này sẽ tạo nền tảng cho bạn hoàn thành những mục tiêu dài hạn.
  • Hãy cụ thể, nhưng đừng quá cường điệu. Bạn cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình nhưng nếu bạn thực hiện chúng quá cụ thể thì chúng trở nên không khả thi. Thay vì nói, “Tôi muốn trở thành giám đốc điều hành tiếp theo của Apple, và tôi sẽ sáng tạo ra sản phẩm trị giá hàng tỉ đô la,” thì bạn hãy nói một cái gì đó đại loại như, “Mục tiêu của tôi là trở thành giám đốc điều hành của một công ty thành đạt.”
  • Xác định rõ cách mà bạn sẽ làm để đạt được mục tiêu của mình. Bạn có thể miêu tả những hành động bạn sẽ làm để thúc đẩy nghề nghiệp của mình. Nếu bạn không thể thực hiện nó, thì bạn cần chia nhỏ mục tiêu thành các phần dễ quản lý hơn.
  • Không nên tự cho mình là trung tâm. Công việc của bạn không chỉ giúp bạn tiến bộ, mà nó còn hỗ trợ cho mục tiêu của ông chủ bạn. Nếu những mục tiêu của bạn khác xa mục tiêu công ty, thì đó có thể là tín hiệu cho thấy công việc mà bạn đang làm không phù hợp.

Nếu bạn muốn hiểu nhiều hơn về thiết lập mô hình mục tiêu SMART, hãy xem video dưới đây:

Sau khi bạn đã hiểu rõ cách thiết lập mục tiêu theo mô hình SMART, bạn hãy dùng nó để giải quyết các vấn đề khác trong công việc. Ví dụ, bạn có thể dùng SMART để cải tiến việc đánh giá hiệu suất làm việc, tìm kiếm công việc mới, hay chuyển tập trung sang một nghề nghiệp khác.

Chúng tôi sẽ giới thiệu các ví dụ về cách sử dụng mục tiêu SMART để đạt được mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn trong phần tiếp theo.

Thiết lập mục tiêu là một phần của công thức thành công. Bạn có thể biết điều mình muốn làm, nhưng bạn cũng cần phải nhận biết được mình có những kỹ năng gì, những gì bạn đang thiếu, và những ưu khuyết điểm của bạn.

Một trong những cách tốt nhất để hiểu được khả năng của bạn là áp dụng công cụ đánh giá kỹ năng “Khoa học nghề nghiêp: kế hoạch phát triển cá nhân”. Công cụ này miễn phí, bạn chỉ cần đăng ký tài khoản và thực hiện một vài đánh giá là được.

Những đánh giá này sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu nghề nghiệp của bạn có thực tế hay không. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về những tài năng và kỹ năng độc đáo của mình. Bạn có thể quyết định thay đổi một số mục tiêu nghề nghiệp hoặc thời gian thực hiện dựa trên những gì bạn hiểu.

Trên giả thuyết, tất cả những bài nói về thiết lập mục tiêu hay tự đánh giá bản thân nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng có lẽ bạn cần một số nguồn cảm hứng để nhận ra mục tiêu của bạn là gì.

  1. Hãy tham gia các sự kiện có tính kết nối và tạo các mối quan hệ mới.
  2. Đạt được sự thăng tiến với vị trí __________.
  3. Được tăng lương.
  4. Lên kế hoạch và đi nghỉ mát trong năm nay.
  5. Chấp nhận đảm nhiệm vai trò mới.
  6. Phát triển mối quan hệ đầy ý nghĩa với đồng nghiệp và khách hàng của bạn.
  7. Yêu cầu thông tin phản hồi một cách thường xuyên.
  8. Hãy học cách từ chối khi bạn được yêu cầu làm việc quá nhiều.
  9. Giao phó những nhiệm vụ mà bạn không cần chịu trách nhiệm.
  10. Phấn đấu tới vị trí lãnh đạo trong ____ năm.
  1. Tham gia học một kỹ năng mới.
  2. Tìm một người cố vấn.
  3. Trở thành tình nguyện viên trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.
  4. Cam kết tham gia khóa học hoặc quay lại trường.
  5. Đọc những quyển sách gần đây nhất liên quan đến lĩnh vực của bạn.
  6. Quyết định xem bạn có cảm thấy hài lòng với sự cân bằng cuộc sống và công việc, hãy thay đổi nếu cần thiết.[3]
  7. Lên kế hoạch các bước cần để thay đổi nghề nghiệp.[4]
  8. Soạn một danh sách những người bạn có thể tham khảo hoặc cho bạn đề nghị.
  9. Cam kết có _____ số điện thoại của các mối liên hệ trong năm nay.
  10. Thiết lập kế hoạch tài chính.
  1. Giảm chi phí kinh doanh xuống theo số phần trăm cụ thể.
  2. Dừng việc quản lý vi mô các thành viên trong nhóm.
  3. Hãy trở thành người cố vấn.
  4. Động não suy nghĩ về cách bạn có thể cải tiến năng suất và hiệu quả trong công việc.
  5. Tham gia một khóa học đào tạo để khắc phục điểm yếu.[5]
  6. Tìm cách tổ chức không gian làm việc.[6]
  7. Tìm kiếm sự phản hồi từ ông chủ hoặc những đồng nghiệp đáng tin cậy hàng tuần/tháng/năm.
  8. Nâng cao khả năng giao tiếp.
  9. Tìm những phương pháp mới để trở thành người có tinh thần đồng đội.
  10. Học cách giảm thời gian làm việc nhưng không ảnh hưởng đến năng suất công việc.
  1. Xác định ranh giới cá nhân trong công việc và bạn biết mình nên làm gì để nâng cao và quản lí hiệu suất công việc tốt hơn.
  2. Nhận biết được các bước để xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp.
  3. Theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của bạn để tìm công việc phù hợp chứ không phải chỉ đơn thuần là công việc.
  4. Hãy tìm một nơi để theo đuổi niềm đam mê bằng cách sử dụng những kiến thức và kỹ năng của bạn.
  5. Hãy tìm cách hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn.
  6. Chấp nhận cơ hội để được quan sát người khác làm việc ở lĩnh vực mà bạn quan tâm.
  7. Nâng cao khả năng sáng tạo và phá vỡ vùng an toàn của bạn.
  8. Yêu cầu được huấn luyện các kĩ năng liên quan đến công việc của bạn.
  9. Tận dụng những cơ hội để khám phá các lĩnh vực và chân trời mới.
  10. Hãy quan tâm tới một giải thưởng cụ thể trong công việc và đạt được nó.

Tôi tin chắc bạn vẫn đang thắc mắc về cách thiết lập mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, vì vậy, sau đây tôi sẽ cung cấp cho bạn những câu hỏi phổ biến về mục tiêu nghề nghiệp

​​​​​​​1. Sẽ ra sao nếu tôi không biết rõ nghề nghiệp tương lai của mình?

Nếu như bạn không chắc chắn, hãy thành thật về nó. Hãy để ông chủ của bạn biết những gì bạn muốn làm. Sẵn sàng dùng những điểm mạnh của bạn để cống hiến cho công ty. Khi bạn thực hiện cách tiếp cận này, hãy lưu lại những yêu cầu với một số ví dụ.

Nếu bạn thậm chí không chắc chắn phải bắt đầu từ đâu cho nghề nghiệp của mình, hãy xem lại bài đăng này.

2. Tôi có nên nói dối về mục tiêu nghề nghiệp của mình?

Việc lừa dối các nhà tuyển dụng tiềm năng chắc chắc sẽ kết thúc trong thảm họa. Trong cuộc phỏng vấn, một lời nói dối sẽ làm cho bạn trông ngu ngốc vì bạn sẽ không biết làm thế nào để trả lời các câu hỏi tiếp theo.

Ngay khi bạn nghĩ rằng mục tiêu nghề nghiệp của bạn không thích hợp với sự mong đợi của các nhà tuyển dụng trong dài hạn, thì hãy cởi mở và chân thành. Có thể có nhiều mục tiêu chung hơn nhưng họ chưa nhận ra, và nó phụ thuộc vào bạn trong việc thu hẹp khoảng cách kỳ vọng của các nhà tuyển dụng.

Hãy giải thích các mối liên hệ này một cách thành thật và cho họ thấy rằng bạn đặt rất nhiều tâm huyết vào buổi phỏng vấn. Nên nhớ rằng, bạn không chỉ nói với họ những gì mà họ muốn nghe.

3. Có tốt hay không nếu tôi đặt một mục tiêu tham vọng?

Bạn nên tạo cho mình một mục tiêu mang tính thử thách, và mục tiêu SMART luôn là sự lựa chọn thích hợp. Nếu bạn đưa ra mục tiêu quá khả năng mình, thì bạn sẽ trông khờ khạo. Nhưng nếu mục tiêu của bạn quá dễ dàng thì bạn lại là người thiếu động lực.

Những nhà tuyển dụng luôn muốn thuê những người biết được năng lực của bản thân và dám đương đầu với những thách thức.

4. Tôi có thể có nhiều mục tiêu nghề nghiệp không?

Tốt nhất là bạn nên xác định mục tiêu rõ ràng và tập trung vào nó. (Tất nhiên, bạn có thể có nhiều mục tiêu ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.) Khi có một mục tiêu nghề nghiệp bạn sẽ tập trung vào nó nhiều hơn, và nó cũng nói lên rằng bạn muốn hoàn thành tất cả những điều bạn đặt ra.

Mặt khác, bạn có thể đặt ra nhiều mục tiêu nghề nghiệp mà chúng liên quan với nhau. Điều đó có nghĩa là bạn đưa ra những mục tiêu ngắn hạn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng trong dài hạn. Bạn cũng có thể có nhiều mục tiêu nhỏ hơn nhưng chúng phải góp phần vào một mục đích duy nhất.

Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một luật sư, bạn có thể cùng lúc trở thành người trợ lý và theo học trường luật. Nếu bạn muốn là quản trị viên trường học, bạn có thể trước tiên trở thành giáo viên đứng lớp và nghiên cứu chính sách giáo dục. Trong hai trường hợp trên, những công việc tạm thời và nghiên cứu kiến thức bổ sung sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.

Bạn sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc thiết lập mục tiêu nghề nghiệp, nhưng nó sẽ thành công hơn với một số hướng dẫn sau. Hãy nhớ:

  • Thiết lập mục tiêu SMART. Mục tiêu SMART phải luôn chi tiết, cụ thể, dễ hiểu; đo lường được; có tính khả thi; thực tế; và thời hạn. Khi bạn luôn nhớ đặt ra những mục tiêu theo mô hình này, bạn có khả năng đạt được kết quả mong muốn.
  • Đưa ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn có thể hoàn thành trong 1 đến 3 năm, trong khi đó mục tiêu dài hạn kéo dài khoảng từ 3 đến 5 năm. Mục tiêu ngắn hạn của bạn phải gắn liền và góp phần hoàn thành mục tiêu dài hạn.
  • Đánh giá năng lực bản thân thông qua công cụ Individual Development Plan. Việc biết cách thiết lập mục tiêu là chưa đủ mà bạn còn phải hiểu rõ bản thân mình. Hãy tự đánh giá bản thân để biết được ưu khuyết điểm của bạn là gì.
  • Lựa chọn những mục tiêu thích hợp với mục đích cuối cùng của bạn. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn nên có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Nếu không, thì sự tập trung của bạn sẽ bị thu hẹp dần. Những mục tiêu của bạn nên phù hợp với loại công việc và chất lượng cuộc sống mà bạn mong muốn.
  • Hãy cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy rằng mục tiêu của bạn luôn rõ ràng. Luôn luôn thành thật với họ về những điều bạn muốn đạt được trong cuộc sống. Nếu mục tiêu của bạn khác với mục tiêu chung của công ty, bạn hãy tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa điều bạn muốn và sự kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Thông qua việc thiết lập mục tiêu, bạn sẽ có thể đưa ra những lựa chọn lý trí cho con đường sự nghiệp của bản thân. Bạn luôn có thể điều chỉnh kế hoạch nếu có bất kỳ điều gì thay đổi, nhưng chìa khóa quan trọng là hãy vẽ ra lộ trình dẫn bạn đến sự thành công.

Tài liệu tham khảo